Không thể muộn hơn, Ấn Độ “siết chặt tay” với Mông Cổ

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ấn Độ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Mông Cổ khỏi bị nước láng giềng lớn chà đạp.
Không thể muộn hơn, Ấn Độ “siết chặt tay” với Mông Cổ
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh nhận món quà đặc biệt từ phía Mông Cổ - chú ngựa trắng tên là Tejas. (Nguồn: Twitter)

Trong bài viết với tiêu đề “Ấn Độ-Mông Cổ: Từ láng giềng tinh thần thành đối tác chiến lược và hơn thế” đăng trên Times of India ngày 22/9, ông S D Pradha* lý giải việc cần phải nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-Mông Cổ.

Chuyến thăm bước ngoặt

Chuyến thăm chính thức Mông Cổ của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh từ ngày 5-7/9 tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ giữa hai nước láng giềng.

Trong chuyến thăm đầu tiên của một bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ tới “đất nước thảo nguyên”, Bộ trưởng Singh tuyên bố rằng New Delhi cam kết tăng cường hơn nữa “quan hệ đối tác chiến lược” nhiều mặt với Ulan Bator.

Tại cuộc hội đàm, ông Singh và người đồng cấp Mông Cổ, Tướng Saikhanbayar Gursed đã thảo luận về những sáng kiến hiệu quả và thiết thực nhằm mở rộng hơn nữa các cam kết quốc phòng song phương, đồng thời thảo luận về các vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm.

Hai bộ trưởng cũng tái khẳng định cam kết thực thi đầy đủ “quan hệ đối tác” dựa trên sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, các lợi ích và giá trị chung về dân chủ, pháp quyền.

Bên cạnh đó, hai quan chức hàng đầu ngành quốc phòng cũng nhắc lại quyết tâm thúc đẩy hoạt động của Nhóm công tác chung Ấn Độ-Mông Cổ (JWG) vốn dự kiến nhóm họp tại Ấn Độ vào cuối năm nay.

Bộ trưởng Singh cũng đã tham dự lễ khánh thành Trung tâm Đào tạo an ninh mạng tại Đại học Quốc phòng được xây dựng với sự hỗ trợ của Ấn Độ, và đặt nền móng cho Trường Hữu nghị Ấn Độ-Mông Cổ, dự kiến được xây dựng với sự hỗ trợ của New Delhi.

Gặp Tổng thống nước chủ nhà U Khurelsukh, Bộ trưởng Singh đã nhắc lại mối quan hệ gắn bó bền chặt của hai bên cũng như sự kiện khởi công dự án lọc dầu đang được thực hiện với sự hỗ trợ từ Ấn Độ. Mông Cổ đánh giá rất cao nhà máy lọc dầu này và mong muốn dự án phải được hoàn thành đúng thời hạn.

Lễ động thổ nhà máy lọc dầu do Ấn Độ hỗ trợ ở tỉnh Dornogovi vào tháng 6/2018 dưới sự chứng kiến của ông U Khurelsukh, khi đó là Thủ tướng Mông Cổ và ông Rajnath Singh, khi đó là Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ. (Nguồn: Twitter)

Gắn kết bền chặt

Ấn Độ và Mông Cổ có mối quan hệ lịch sử lâu đời. Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao với Mông Cổ vào năm 1955 và mở Phái bộ thường trú tại Ulan Bator vào năm 1971.

Hai nước nâng cấp quan hệ lên cấp đối tác chiến lược vào năm 2015 khi Thủ tướng Narendra Modi thăm Ulan Bator và tuyên bố Mông Cổ là một yếu tố quan trọng trong chính sách Hành động hướng Đông.

Đối với quốc gia giàu khoáng sản có mỏ đồng, vàng, đất hiếm và urani, Ấn Độ không chỉ là láng giềng tinh thần mà còn là láng giềng thứ ba cùng với Mỹ, Nhật Bản và Đức.

Ấn Độ cam kết cung cấp 1 tỷ USD để xây dựng và phát triển các tuyến đường sắt và các dự án cơ sở hạ tầng. Hai bên đang tương tác ở nhiều cấp độ với các chuyến thăm cấp cao diễn ra thường xuyên.

Hai nước đã lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác Ấn Độ-Mông Cổ do các ngoại trưởng tương ứng đứng đầu, đồng thời tổ chức các cuộc tham vấn chính thức.

Ngoài ra, Nhóm công tác chung về hợp tác quốc phòng Ấn Độ-Mông Cổ cũng nhóm họp hàng năm. Hội đồng An ninh quốc gia của hai nước họp thường xuyên kể từký bản ghi nhớ và năm 2007.

Bên cạnh đó, Ấn Độ và Mông Cổ tổ chức cuộc tập trận chung thường niên mang tên Voi du mục. Cuộc tập trận đa phương Khaan Quest của Mông Cổ là điểm tựa trong chính sách ngoại giao nhằm nâng cao năng lực quốc phòng của nước này, với sự tham gia thường xuyên của các quan sát viên thuộc lực lượng vũ trang Ấn Độ.

Lực lượng vũ trang Ấn Độ tham gia tập trận hòa bình đa quốc gia Khaan Quest 2022 tại Mông Cổ. (Nguồn: Twitter)

Chung mối bận tâm

Mông Cổ là quốc gia không giáp biển, nằm giữa Nga và Trung Quốc. Quốc gia này có hai đặc điểm rất đáng chú ý: Thứ nhất, về chính sách đối ngoại, Mông Cổ tuân theo cách tiếp cận không liên kết. Thứ hai, mặc dù nằm giữa hai chế độ chuyên quyền, nhưng Mông Cổ là một quốc gia dân chủ. Năm 1991, Ấn Độ ủng hộ Mông Cổ trở thành thành viên của Phong trào Không liên kết.

Đáng chú ý, Mông Cổ, cùng với Ấn Độ và Bhutan, đã đồng bảo trợ cho Nghị quyết nổi tiếng của Liên hợp quốc năm 1972 về việc công nhận Bangladesh là một quốc gia độc lập, điều chọc giận Pakistan.

Mặc dù quan hệ của Mông Cổ với Trung Quốc không thân thiết vì có những yếu tố gây khó chịu, nhưng nước này có mối liên hệ đáng kể về mặt kinh tế với Trung Quốc. Người dân Mông Cổ ngày càng lo ngại người Trung Quốc đang cố gắng xâm phạm bản sắc độc đáo của họ.

Ở khu vực Nội Mông, người Trung Quốc đang đưa tiếng Trung vào các trường học và cơ sở giáo dục. Đây là một nỗ lực không ngừng của Bắc Kinh nhằm thay đổi nhân khẩu học trong khu vực, giống như cách họ đã làm ở Tân Cương và Tây Tạng.

Trong một lớp học ở Hohhot, thủ phủ của khu tự trự Nội Mông ở phía Bắc Trung Quốc. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Gần gũi chiến lược

Mặt khác, Ấn Độ được coi là một quốc gia rất gần gũi với Mông Cổ về mặt văn hóa, chính trị và có quan điểm chung về thế giới. Cả hai đang hợp tác trong một số vấn đề quốc tế. Ulan Bator đã công khai ủng hộ New Delhi ứng cử vị trí ủy viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mở rộng.

Ấn Độ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Mông Cổ khỏi bị nước láng giềng lớn chà đạp. Bên cạnh đó, hai nước có thể cùng hợp tác để phát triển kinh tế Đông Á và cả Trung Á.

Rõ ràng là quan hệ Ấn Độ-Mông Cổ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực ở châu Á. Mặc dù thương mại song phương tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian gần đây, song vẫn cần phải khám phá thêm nhiều cơ hội và không gian để tăng tốc độ. Việc xác định và loại bỏ các chướng ngại vật có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ hai nước.

Với tầm quan trọng của Ulan Bator trong môi trường an ninh hiện tại, quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-Mông Cổ cần phải được nâng cấp hơn nữa. Bộ trưởng Quốc phòng Singh đã công khai điều này. Để đạt được những tiến bộ đáng kể, hai bên cần phải quản lý hiệu quả các thách thức chính sách kinh tế và thương mại song phương.

Trong khi sự tham gia chiến lược vào chính sách an ninh và đối ngoại vẫn tiếp tục, nhu cầu đặt ra là phải xây dựng một chiến lược hiệu quả trong môi trường quốc tế phức tạp vốn đã thay đổi, để đảm bảo đạt được các mục tiêu chung một cách nhanh chóng mà không vướng vào cuộc cạnh tranh chéo giữa các cường quốc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật