Chủ động sản xuất vụ đông xuân

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Diện tích lúa thu đông giữ ổn định ở mức 700.000 ha là phù hợp cho việc bố trí cơ cấu mùa vụ ở đồng bằng sông Cửu Long
Chủ động sản xuất vụ đông xuân
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: NGỌC TRINH

Vụ thu đông năm nay, dù ĐBSCL giảm diện tích nhưng một số địa phương lại tăng năng suất và sản lượng nhờ việc sử dụng các giống lúa chất lượng cao. Để vụ đông xuân 2022 - 2023 sắp tới sản xuất thắng lợi, ngành nông nghiệp đã đưa ra nhiều khuyến cáo cho nông dân.

Giữ ổn định 700.000 ha lúa thu đông

Tại TP Cần Thơ, Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất vụ thu đông, vụ mùa năm 2022, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023 vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, diện tích gieo trồng năm 2022 tại vùng ĐBSCL đạt gần 3,9 triệu ha, năng suất bình quân là 6,2 tấn/ha, sản lượng ước đạt hơn 24,1 triệu tấn (tương đương so với cùng kỳ các năm trước). Đối với vụ thu đông năm nay, diện tích xuống giống toàn vùng khoảng 700.000 ha, giảm khoảng 3.000 ha so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, nhận định: "Mặc dù diện tích tổng thể gieo trồng lúa năm 2022 ở vùng ĐBSCL giảm để chuyển sang canh tác các loại cây trồng khác nhưng năng suất lại gia tăng. Trong vụ thu đông, kể từ năm 2012 đến nay, năng suất lúa có chiều hướng gia tăng, tương đương, thậm chí cao hơn vụ hè thu, dù diện tích gieo sạ tăng hoặc giảm theo hằng năm. Vì vậy, diện tích lúa thu đông giữ ổn định ở mức 700.000 ha là phù hợp cho việc bố trí cơ cấu mùa vụ ở ĐBSCL".

Tại tỉnh Vĩnh Long, kế hoạch vụ thu đông xuống giống 41.000 ha nhưng thực hiện chỉ đạt 25.000 ha (giảm 50% so với cùng kỳ). "Nguyên nhân diện tích giảm là do sản xuất vụ này trong tỉnh rơi hoàn toàn vào mùa mưa lũ. Vụ hè thu vừa rồi nhiều nông dân thua lỗ nên tới vụ này họ ngán ngại, bên cạnh đó là giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Nhiều nông dân muốn tập trung cho sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023 vì vụ này có điều kiện thuận lợi và năng suất cao hơn" - ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, thông tin.

Theo ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, vụ thu đông địa phương xuống giống 69.000 ha, giảm 24.000 ha so với cùng kỳ. Năm nay, Kiên Giang được giao sản lượng lúa là 4,4 triệu tấn cho cả năm, sau khi xem xét thu hoạch vụ thu đông thì có khả năng đạt được kế hoạch đề ra. Ông Toàn nhấn mạnh: "Dù diện tích xuống giống vụ này giảm nhưng giống lúa gieo sạ đạt chất lượng cao tới 95%. Điều này cho thấy nông dân đã ý thức được việc trồng lúa chất lượng cao để doanh nghiệp thu mua. Ngoài ra, diện tích cánh đồng lớn tại Kiên Giang tăng đột biến, hiện tại có 20 doanh nghiệp liên kết tiêu thụ, trong đó 3 tập đoàn lớn đã ký kết biên bản ghi nhớ từ năm 2021 - 2025. Tính đến nay, địa phương có 25% diện tích lúa đã được liên kết trong sản xuất, tiêu thụ. Do vậy, dù giảm diện tích nhưng vẫn bảo đảm năng suất và chất lượng".

Về kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023, vùng ĐBSCL gieo sạ 1,5 triệu ha, giảm 6.890 ha, năng suất ước 7,1 tấn/ha. Cục Trồng trọt lưu ý các địa phương chỉ bố trí sản xuất vụ đông xuân ở những vùng còn đủ 3 tháng cung cấp nước ngọt, nhu cầu nước suốt vụ cho lúa phải bảo đảm tối thiểu 5.000-6.000 m3/ha.

Xuất khẩu từ 6,3-6,5 triệu tấn gạo

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lũy kế xuất khẩu gạo trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 4,7 triệu tấn, kim ngạch hơn 2,3 tỉ USD (tăng 20,7% về số lượng và tăng 9,89% về giá trị). Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân đạt 486,49 USD/tấn, giảm 47,86 USD/tấn. Kế hoạch xuất khẩu gạo cả năm 2022 khoảng 6,3-6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000-200.000 tấn so với năm 2021.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA, cho biết cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây đã chuyển dần sang gạo thơm, gạo chất lượng cao. "Về thị trường xuất khẩu gạo, trong 8 tháng đầu năm, Philippines đứng đầu với 2,4 triệu tấn (chiếm gần 50% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam). Đây là thị trường quan trọng, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất lúa và xuất khẩu gạo của nước ta. Philippines có hiệp định thương mại gạo với Việt Nam và thường mua gạo trắng từ 15%-25% tấm. Sau khi Philippines mở cửa cho nhập khẩu tự do, thương nhân nước này nhập khẩu tập trung vào gạo thơm và gạo chất lượng cao" - ông Nam thông tin.

Đứng thứ hai trong nhập khẩu gạo của Việt Nam là Trung Quốc. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thị trường này chỉ nhập 520.000 tấn gạo. Chủ tịch VFA cho rằng Trung Quốc liên tục thay đổi nhiều chính sách, nhập chủ yếu là nếp và các giống lúa ST với nhu cầu lớn nhưng Việt Nam lại thiếu nguồn cung.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng lấy kinh nghiệm trong các năm vừa qua, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các địa phương vùng ĐBSCL thực hiện rất thành công các mùa vụ sản xuất lúa. Vì thế, trong vụ đông xuân 2022 - 2023 tới, nông dân cần cố gắng xuống giống sớm, nhất là phần diện tích hơn 400 ha ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL, để tránh hạn mặn có thể xảy ra. Về cơ cấu giống lúa, ông lưu ý các địa phương cần chú trọng lựa chọn, ưu tiên những giống lúa cho năng suất cao và phục vụ xuất khẩu; cân đối vừa phải tỉ lệ giữa chế biến cũng như nhóm giống đặc sản, lúa thơm, phát huy lợi thế của vùng… 

Đề phòng xâm nhập mặn

PGS-TS Trần Bá Hoằng, viện trưởng viện Khoa học thủy lợi miền Nam (SIWRR), cho hay năm 2022, dự báo đỉnh lũ ở ĐBSCL là lũ nhỏ và dòng chảy mùa kiệt năm 2022 - 2023 tiếp tục diễn biến khó lường, phụ thuộc vào vận hành của các hồ thủy điện trên lưu vực. Đáng chú ý là các hồ tiếp tục kéo dài tích nước đến cuối năm, giai đoạn đầu mùa khô tháng 12-2022 đến tháng 3-2023, các thủy điện có thể xả nước hạn chế nên dòng chảy kiệt thấp làm tăng nguy cơ mặn có thể xuất hiện sớm ở ĐBSCL. Vì vậy, SIWRR dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2022 - 2023 của đồng bằng xuất hiện sớm và vào sâu hơn so với trung bình nhiều năm nhưng thấp hơn các năm xâm nhập mặn lịch sử 2015 - 2016, 2019 - 2020.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật