Vì sao chậm đào tạo giáo viên tích hợp?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm học 2022 - 2023, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện năm thứ 2 với bậc THCS học các môn tích hợp. Tuy nhiên, đến nay chưa có giáo viên được đào tạo chính quy giảng dạy môn học này.
Vì sao chậm đào tạo giáo viên tích hợp?
Một tiết học môn khoa học tự nhiên lớp 7

Năm học 2022 - 2023 mới có sinh viên tốt nghiệp

Năm học 2020 - 2021, học sinh lớp 1 bước vào năm học đầu tiên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tiếp theo đó, năm học 2021 - 2022 chương trình này bắt đầu áp dụng với học sinh lớp 2, lớp 6. Theo lộ trình thực hiện, đến năm học 2024 - 2025 chương trình này được triển khai tới các khối học cuối cùng bậc phổ thông gồm lớp 5, 9 và 12.

Theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, học sinh học môn tích hợp khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) nhưng hiện nay chưa có giáo viên được đào tạo chính quy môn này

Dù đã trải qua năm thứ 2 nhưng trong báo cáo tổng kết năm học 2021 - 2022 mới đây, Bộ GD-ĐT thừa nhận tỷ lệ giáo viên (GV)/lớp chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đáng chú ý là thiếu GV tiếng Anh, tin học ở cấp tiểu học và thiếu GV âm nhạc, mỹ thuật bậc THPT. Trong khi đó, ở các môn tích hợp, thực tế hiện nay GV không được đào tạo chính quy để giảng dạy mà đều từ các môn riêng lẻ qua bồi dưỡng để dạy.

Trong khi đó, chưa có sinh viên tốt nghiệp ở các trường đào tạo GV chính quy các môn mới của chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết từ năm 2019, trường đã bắt đầu tuyển sinh ngành sư phạm khoa học tự nhiên và năm 2021 có thêm ngành sư phạm lịch sử - địa lý. Năm 2022, trường bắt đầu tuyển sinh thêm ngành mới là sư phạm công nghệ đào tạo GV tin học và công nghệ từ lớp 3, dạy môn công nghệ bậc THCS và THPT. Cũng từ năm nay, trường tuyển sinh ngành giáo dục công dân đào tạo GV môn học này bậc THCS.

“Như vậy, sớm nhất trong năm học 2022 - 2023 trường ĐH này mới có sinh viên đầu tiên tốt nghiệp ngành sư phạm khoa học tự nhiên phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới”, thạc sĩ Quốc thông tin.

Trường ĐH Sài Gòn hiện cũng tuyển sinh ngành sư phạm khoa học tự nhiên và sư phạm lịch sử - địa lý (cả 2 ngành đào tạo GV THCS). Tuy nhiên, số lượng người theo học chưa nhiều trong năm đầu tuyển sinh, chẳng hạn năm 2019 dù có chỉ tiêu 30 nhưng ngành sư phạm lịch sử - địa lý chỉ có

9 sinh viên, ngành sư phạm khoa học tự nhiên 26 sinh viên. Theo đúng lộ trình thì năm học 2022 - 2023 trường ĐH này mới có gần 60 sinh viên các ngành đào tạo GV tích hợp đầu tiên ra trường.

Tiến sĩ Lê Xuân Vinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Quy Nhơn, cũng cho biết trường bắt đầu đào tạo 2 ngành mới sư phạm khoa học tự nhiên và sư phạm lịch sử - địa lý bắt đầu từ năm 2021. Tuy nhiên, ở năm đầu tiên tuyển sinh mỗi ngành chỉ tuyển được một lớp với khoảng 40 - 50 sinh viên. Theo lộ trình đào tạo, sau 3 năm nữa, trường mới có lứa sinh viên đầu tiên phục vụ chương trình phổ thông mới.

Bồi dưỡng, chuyển đổi ngành học

Thạc sĩ Lê Phan Quốc cho biết năm 2018 chương trình Giáo dục phổ thông mới chính thức được ban hành. Trên cơ sở chương trình này, các trường ĐH xây dựng chương trình đào tạo phù hợp. Ngay trong năm 2019, nhiều trường đã bắt đầu tuyển sinh các ngành đào tạo GV môn mới đáp ứng chương trình này. Nhưng theo đúng lộ trình đào tạo, ít nhất 4 năm sau đó sinh viên các ngành học này mới ra trường.

Tuy nhiên, theo Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trong lúc chờ có đội ngũ được đào tạo mới Bộ đã triển khai chương trình bồi dưỡng GV các trường phổ thông với môn tin học và công nghệ bậc tiểu học, 2 môn khoa học tự nhiên và lịch sử - địa lý bậc THCS. Các GV đơn môn được bồi dưỡng thêm 30 tín chỉ kiến thức của phân môn còn lại trong thời gian khoảng 3 tháng để tham gia giảng dạy các môn tích hợp.

Không chỉ tuyển sinh ngành mới, một số trường còn chuyển đổi ngành học hiện có theo hướng phù hợp với môn học mới bậc phổ thông. Chẳng hạn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến điều chỉnh tên gọi và nội dung đào tạo ngành giáo dục chính trị theo hướng môn học giáo dục kinh tế và Pháp Luật. Trong khi trước đó, ngành học này đào tạo GV dạy giáo dục công dân bậc THCS và THPT.

Trường ĐH Đà Lạt hiện cũng chưa bắt đầu đào tạo GV môn mới. Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo, cho hay: “Trường đang củng cố, phát triển đội ngũ để mở các ngành này trong giai đoạn 2021 - 2025. Nhưng ngay từ năm 2019, trường đã thực hiện điều chỉnh chương trình đào tạo để có GV đáp ứng việc dạy học các môn tích hợp”. Cụ thể, ông Duy cho biết các ngành sư phạm vật lý, sư phạm sinh học, sư phạm lịch sử trường đều đưa các nội dung tích hợp như khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội vào giảng dạy. Thời lượng phần tích hợp này chiếm khoảng 15% tổng số tín chỉ toàn khóa học.

Ngoài các môn mới, tình trạng thiếu GV cũng diễn ra với nhiều môn vốn được đào tạo ở các trường trước đó như: sư phạm tin học, sư phạm tiếng Anh, sư phạm âm nhạc và sư phạm nghệ thuật. Nhưng một thực tế đang diễn ra ở nhiều trường là các ngành học này đang không thu hút người học.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật