EU quyết tâm “bỏ đói” doanh thu dầu của Nga, Tổng thống Putin vẫn có rất nhiều tiền mặt

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo trang Bloomberg, giá trần dầu Nga của Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), Liên minh châu Âu (EU) và Australia không đủ thấp để làm giảm doanh thu của Điện Kremlin trong năm tới.
EU quyết tâm “bỏ đói” doanh thu dầu của Nga, Tổng thống Putin vẫn có rất nhiều tiền mặt
Theo các chuyên gia, giá trần do G7, EU và Australia áp với dầu Nga chưa đủ cao để tác động đến ’túi tiền’ Tổng thống Putin. (Nguồn: Sputnik)

Giá trần chưa đủ thấp

Các nhà kinh tế cũng cho rằng, ngay cả khi giá trần khiến sản lượng dầu thô giảm, thì Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn có rất nhiều tiền mặt để chi trả cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Áp trần giá dầu Nga ở mức 60 USD/thùng có hiệu lực từ ngày 5/12. Mức trần sẽ được xem lại sau mỗi 2 tháng nhằm đảm bảo giá dầu Nga thấp hơn 5% so với giá của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).

3 ngày sau khi các nước phương Tây chính thức giới hạn giá dầu của Nga, có vẻ như hầu hết sản phẩm dầu của nước này (không phải tất cả) đang giao dịch dưới ngưỡng được áp đặt.

Dữ liệu do Argus Media cung cấp cho thấy, ngày 8/12, loại dầu Urals của Nga, chiếm khoảng 60% xuất khẩu đường biển của quốc gia trong năm qua, được giao dịch ở mức 43,73 USD/thùng.

Nhà kinh tế học Sofya Donets của Ngân hàng đầu tư Renaissance Capital nhận định: "Ở mức 60 USD/thùng, giá trần có vẻ rất hào phóng. Mức giá này gần với mức định của thị trường cho năm 2023 và ở mức đề xuất trong ngân sách của Nga".

Theo nhà kinh tế Olga Belenkaya tại công ty dịch vụ tài chính Finam, việc áp trần giá dầu ở mức 60 USD/thùng có thể làm giảm thêm 1 nghìn tỷ Ruble (16 tỷ USD) doanh thu của Nga. Trên thực tế, con số này không quá lớn. Các chi phí như vận chuyển hàng hóa và bảo hiểm không được tính vào giá trần.

Mục đích của việc áp trần giá dầu Moscow là để "bỏ đói" chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine, chặn đứng nguồn thu từ dầu mỏ của Tổng thống Putin.

Trên thực tế, các nhà hoạch định vào thế khó vì phải nỗ lực để đảm bảo mức giá không quá thấp. Nếu áp trần giá ở mức quá thấp, Điện Kremlin sẽ cắt giảm đáng kể sản lượng và điều này tác động mạnh đến thị trường dầu mỏ thế giới.

Áp lực tài chính sẽ tăng theo thời gian

Đến thời điểm hiện tại, Nga vẫn chưa phản ứng với vấn đề này. Nhưng các quan chức nước này tuyên bố, Moscow có kế hoạch tiếp tục chuyển hướng dòng chảy dầu sang các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ.

Dù vậy, ngay cả khi không có giới hạn giá dầu, các lệnh trừng phạt về vận chuyển bằng đường biển và bảo hiểm, Điện Kremlin đã dự đoán, doanh thu thuế từ dầu mỏ và khí đốt sẽ giảm gần 25%. Dù vậy, Moscow vẫn có thể trang trải thâm hụt ngân sách một cách dễ dàng bằng cách khai thác quỹ tài sản và vay trên thị trường trái phiếu địa phương.

Mới đây, Điện Kremlin đã tăng thuế một lần cho Tập đoàn Gazprom để giúp bù đắp sự sụt giảm thu nhập trong năm nay do "gã khổng lồ" khí đốt này được hưởng lợi từ giá tăng cao ngay cả khi khối lượng xuất khẩu sụt giảm. Dù vậy, lĩnh vực dầu mỏ vẫn là nguồn doanh thu lớn nhất của Nga.

Bloomberg Economics cho hay, chính phủ Nga dự báo, sản lượng dầu của quốc gia này có thể giảm gần 9% trong năm tới và gây thiệt hại khoảng 1 nghìn tỷ đến 1,4 nghìn tỷ Ruble doanh thu. Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt và các hạn chế khác đối với dầu xuất khẩu có thể làm mất thêm 500 tỷ Ruble khỏi thu nhập của Điện Kremlin.

Ông Oleg Vyugin, cựu quan chức hàng đầu của Bộ Tài chính Nga cảnh báo rằng, áp lực tài chính sẽ tăng lên theo thời gian.

Ông nói: “Vấn đề chính của ngân sách Nga là họ muốn chi tiêu nhiều hơn mức họ thực sự có thể chi trả. Việc họ phải khai thác quỹ tài sản để trang trải thâm hụt là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy, các vấn đề đang bắt đầu".

Còn nhà kinh tế cao cấp Natalia Lavrova của Tập đoàn tài chính BC‌ּS thì nhận thấy, dù chưa đong đếm được thiệt hại nhưng chắc chắn, việc áp trần giá dầu sẽ gây áp lực lên hoạt động xuất khẩu nhiên liệu của Nga sang những thị trường từng là khách hàng lớn nhất của quốc gia này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật