Nhật Bản, Hàn Quốc ráo riết thu gom 3,6 triệu tấn, giá một loại viên nén của Việt Nam tăng sốc, đạt 170 USD/tấn

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhu cầu tăng cao từ Nhật Bản, Hàn Quốc đã giúp xuất khẩu viên nén của Việt Nam trong 10 tháng năm 2022 tăng tới 34% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhật Bản, Hàn Quốc ráo riết thu gom 3,6 triệu tấn, giá một loại viên nén của Việt Nam tăng sốc, đạt 170 USD/tấn
Trong ảnh: Dây chuyền chế biến viên nén của Công ty CP Năng lượng Dung Quất (Quảng Ngãi). Ảnh: K.Nguyên.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Tổ chức Forest Trends, do nhu cầu tăng cao từ thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, lượng xuất khẩu viên nén của Việt Nam tăng mạnh trong thời gian vừa qua. 

Cụ thể, trong 10 tháng năm 2022, lượng xuất khẩu viên nén đạt gần 3,9 triệu tấn, tăng 34% so với cùng kỳ 2021, tương đương hơn 111% tổng lượng xuất khẩu của năm 2021.

Giá trị xuất khẩu viên nén 10 tháng 2022 đạt 602,7 triệu USD, tăng 81% so với cùng kỳ 2021, tương đương gần 146% tổng kim ngạch của năm 2021.

Đáng chú ý, giá viên nén xuất khẩu đã tăng liên tục từ tháng 6/2021 và đạt đỉnh điểm là hơn 170 USD/tấn vào tháng 10/2022, tăng gần 60% so với mức giá của tháng 5/2021.

Lượng viên nén xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm 95% trong tổng lượng viên nén xuất khẩu của Việt Nam.

Trong đó, Hàn Quốc đã mua của Việt Nam 1,675 triệu tấn viên nén, trị giá 270 triệu USD; lượng xuất khẩu viên nén sang Nhật Bản đạt 2,05 triệu USD; trị giá 303 triệu USD.

Nhờ sự tăng trưởng của những mặt hàng mới nên xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ 11 tháng năm 2022 vẫn tăng.

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 11/2022 đạt 1,1 tỷ USD, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021. 

Cục Xuất nhập khẩu nhận định, những bất ổn do cuộc xung đột giữa Nga và Ukcaine dẫn tới hạn chế về chuỗi cung ứng, vấn đề hậu cần và áp lực lạm phát tăng mạnh, cùng với sự mất giá của các đồng tiền chính so với đồng USD, là những yếu tố cản trở dẫn đến sự tăng trưởng chậm của ngành gỗ trong năm 2022. 

Trong đó, đồ nội thất bằng gỗ luôn là mặt hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong 10 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu của mặt hàng này tăng trưởng mạnh góp phần thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng khả quan. 

Tuy nhiên, nhiều thị trường nhập khẩu chính nhóm hàng này của Việt Nam như Mỹ, EU, Anh đều chịu áp lực lạm phát cao, khiến nhu cầu tiêu thụ nhóm hàng này chậm lại. 

Do đó, mức độ tăng trưởng về trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ đã chững lại trong 10 tháng năm 2022, đạt 8,5 tỷ USD, chỉ tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021 (trong cùng kỳ năm 2021 nhóm hàng này đạt tốc độ tăng trưởng là 21,7%), chiếm 62,8% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

"Đáng chú ý, trong 10 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu dăm gỗ, viên nén gỗ, cửa gỗ và đồ gỗ mỹ nghệ có tốc độ tăng trưởng cao", Cục Xuất nhập khẩu nhận định.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật