Trung Quốc thúc đẩy toàn diện giai đoạn 4 Chương trình thám hiểm Mặt Trăng năm 2023

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thông tin về giai đoạn 4 Chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc vừa được nhà thiết kế chính của Chương trình thám hiểm Mặt Trăng nước này Ngô Vĩ Nhân tiết lộ.
Trung Quốc thúc đẩy toàn diện giai đoạn 4 Chương trình thám hiểm Mặt Trăng năm 2023
Ảnh minh họa giai đoạn 4 chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc. Nguồn: VCG

Trung Quốc sẽ thúc đẩy toàn diện giai đoạn 4 của Chương trình thám hiểm Mặt Trăng trong năm nay và dự kiến sẽ hoàn thành cấu trúc cơ bản cho Trạm nghiên cứu Quốc tế ở cực Nam của Mặt Trăng vào khoảng năm 2028 thông qua sứ mệnh của tàu Hằng Nga-7 và 8.

Trong một chia sẻ với Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 6/2, ông cho biết các nhiệm vụ của giai đoạn 4 sẽ bao gồm việc phóng các tàu Hằng Nga-6, 7 và 8 (Chang’e). Trong đó, nhiệm vụ của tàu Hằng Nga-6 là cố gắng thu thập khoảng 2.000 gam mẫu vật từ vùng tối của Mặt Trăng và đưa trở về Trái Đất. Sứ mệnh của Hằng Nga-7 là hạ cánh xuống cực Nam của Mặt Trăng và tiến hành các cuộc khảo sát chi tiết nhằm khám phá dấu vết của nước. Trong khi đó, Hằng Nga-8 dự kiến được phóng vào khoảng năm 2028, cùng với Hằng Nga-7 hoàn thành việc xây dựng cấu trúc cơ bản của Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS), trên đó sẽ có tàu quỹ đạo, tàu đổ bộ, tàu thăm dò Mặt Trăng cùng một loạt các thiết bị khám phá khoa học khác.

Được biết, tàu Hằng Nga-6 là phiên bản dự phòng của tàu Hằng Nga 5. Hồi cuối năm 2020, Hằng Nga-5 đã đem về Trái Đất 1.731 gram mẫu vật đất đá từ vùng sáng của Mặt Trăng, đánh dấu việc nối lại sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc sau hơn 4 thập kỷ bị gián đoạn, tức từ năm 1976, đồng thời đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 sau Mỹ và Nga thu được mẫu vật từ Mặt Trăng.

Theo tiết lộ của ông Vương Quỳnh, Phó thiết kế trưởng của sứ mệnh Hằng Nga-6, con tàu này sẽ được phóng vào năm 2024 hoặc 2025. Để chuẩn bị cho sứ mệnh này, vệ tinh chuyển tiếp Thước Kiều-2 (Queqiao-2) sẽ được phóng vào đầu năm 2024.

Trung Quốc bắt đầu chương trình thám hiểm Mặt Trăng vào năm 2004 và đã phóng 5 tàu thăm dò kể từ năm 2007. Tàu thăm dò thứ tư, Hằng Nga-4, đã hạ cánh xuống vùng tối của Mặt Trăng vào tháng 1/2019, trở thành tàu vũ trụ đầu tiên quan sát kỹ khu vực ít được biết đến này. Xe tự hành của nó, mang tên Thỏ Ngọc-2 (Yutu 2), đã hoạt động trên đó hơn 4 năm với tư cách là xe tự hành Mặt Trăng hoạt động lâu nhất.

Cấu trúc cơ bản của ILRS sẽ được xây dựng vào khoảng năm 2028, do vậy các phi hành gia Trung Quốc có thể hạ cánh xuống Mặt Trăng trong vòng 10 năm tới, theo tiết lộ của ông Ngô Vĩ Nhân hồi tháng 11/2022.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật