Trung Quốc mở rộng các trạm vệ tinh trên mặt đất

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giữa bối cảnh Mỹ và Trung Quốc căng thẳng vì vụ khinh khí cầu do thám, một công ty con của Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) thông báo sẽ xây dựng các trạm vệ tinh mặt đất tại cơ sở nghiên cứu Trung Sơn ở Nam Cực để hỗ trợ Bắc Kinh thu thập dữ liệu vệ tinh.
Trung Quốc mở rộng các trạm vệ tinh trên mặt đất
Trạm nghiên cứu Thái Sơn của Trung Quốc ở Nam Cực. Ảnh: Asia Times

Dự án trị giá 43,95 triệu nhân dân tệ (tương đương 6,52 triệu USD) này được xem là một phần của kế hoạch phát triển kinh tế biển dài hạn của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Giữa bối cảnh Mỹ và Trung Quốc căng thẳng vì vụ khinh khí cầu do thám, một công ty con của Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) thông báo sẽ xây dựng các trạm vệ tinh mặt đất tại cơ sở nghiên cứu Trung Sơn ở Nam Cực để hỗ trợ Bắc Kinh thu thập dữ liệu vệ tinh. Dự án trị giá 43,95 triệu nhân dân tệ (tương đương 6,52 triệu USD) này được xem là một phần của kế hoạch phát triển kinh tế biển dài hạn của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Bản vẽ của dự án cho thấy, hệ thống trên gồm 4 ăng-ten được một mái vòm che phủ. Số ăng-ten đó được lắp ở Ðông Nam Cực, gần Vịnh Prydz, đối diện với Ấn Ðộ Dương, hỗ trợ thu thập dữ liệu từ các vệ tinh Trung Quốc quay quanh các quỹ đạo cực và gần cực.

Trong những năm gần đây, tốc độ phóng vệ tinh vào quỹ đạo của Trung Quốc tăng đáng kể, làm tăng nhu cầu của nước này về các trạm vệ tinh mặt đất. Theo tờ Asia Times, ngoài các trạm nói trên, Trung Quốc đã và đang xây dựng mạng lưới các trạm vệ tinh mặt đất trên khắp thế giới. Chỉ riêng ở khu vực Nam Mỹ, Bắc Kinh có tới 11 trạm, gồm 2 trạm ở Venezuela, 3 trạm ở Bolivia, một trạm ở Chile, một trạm ở Brazil và 4 trạm ở Argentina.

Theo tờ Polar Journal, Trung Quốc đã 19 lần phóng vệ tinh vào quỹ đạo vào năm 2015 nhưng chỉ trong năm ngoái đã thực hiện 64 lần phóng, đưa hơn 180 vệ tinh lên quỹ đạo. Riêng Tập đoàn hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC) trong năm nay có kế hoạch thực hiện hơn 60 lần phóng, đưa hơn 200 vệ tinh lên quỹ đạo. Ðáng chú ý, kể từ năm 2002, Trung Quốc đã phóng đi 8 vệ tinh quan sát đại dương lên quỹ đạo để phục vụ nhiều mục đích khác nhau, gồm phân tích hải dương học, khai thác tài nguyên, nghiên cứu hệ sinh thái ven biển và giám sát thiên tai. Dự kiến, vệ tinh quan sát đại dương thứ chín sẽ được Trung Quốc phóng trong năm nay và trạm vệ tinh mặt đất tại cơ sở nghiên cứu Trung Sơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền dữ liệu từ các vệ tinh này.

Chính sự xuất hiện ngày càng nhiều các trạm vệ tinh mặt đất của Trung Quốc trên phạm vi quốc tế đã dẫn tới nhiều lo ngại. Theo một báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố hồi tháng 10 năm ngoái, mạng lưới các trạm vệ tinh mặt đất đó mặc dù chỉ được sử dụng với mục đích dân sự nhưng chúng có thể được dùng để theo dõi, giám sát và thậm chí có khả năng nhắm mục tiêu vào tàu vũ trụ của Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác. “Các trạm vệ tinh mặt đất này tạo thành một hệ thống quan trọng, hoàn thành các phép đo từ xa, theo dõi và chỉ huy từ xa các nhiệm vụ có thể cho phép vận hành các vệ tinh và tàu vũ trụ khác. Chúng cũng giúp theo dõi hàng chục ngàn vệ tinh và vật thể khác trong quỹ đạo Trái đất” - báo cáo lo ngại.

Ðặc biệt, kế hoạch xây dựng các trạm vệ tinh mặt đất tại cơ sở nghiên cứu Trung Sơn nói trên dẫn tới quan ngại rằng Bắc Kinh có thể nhận dữ liệu về viễn thám, thời tiết, giám sát cũng như các loại dữ liệu khác để sử dụng cho mục đích quân sự. Trước đó, một trạm vệ tinh mặt đất do Trung Quốc xây dựng ở khu vực Patagonia (Argentina) đã gây ra những lo ngại về mục đích của nó dù Bắc Kinh đảm bảo rằng mục tiêu của trạm này là quan sát không gian hòa bình và các sứ mệnh của tàu vũ trụ Trung Quốc.

Ngoài Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng đã thành lập các trạm vệ tinh mặt đất tại các cơ sở nghiên cứu ở Nam Cực. Các trạm vệ tinh mặt đất này là cơ sở hạ tầng quan trọng cần thiết để vận hành vũ trụ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi dữ liệu và chỉ thị. Chính vai trò quan trọng của các trạm vệ tinh mặt đất khiến chúng có khả năng trở thành một lĩnh vực cạnh tranh khác đối với các cường quốc không gian.

Trạm nghiên cứu Trung Sơn được thành lập vào năm 1989 và là một trong 5 trạm nghiên cứu ở Nam Cực do viện Nghiên cứu Ðịa cực của Trung Quốc quản lý, gồm trạm nghiên cứu Vạn Lý Trường Thành được thành lập năm 1985, trạm Côn Lôn (2009), trạm Thái Sơn (2014) và Căn cứ vĩnh viễn Victoria (2022). Trong đó, các trạm Trung Sơn, Côn Lôn và Thái Sơn nằm trong Lãnh thổ châu Nam Cực thuộc Úc, vốn chiếm khoảng 42% diện tích lục địa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật