Nỗi khổ của giới siêu giàu

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những người có khối tài sản kếch xù và nhiều đặc quyền thường được mô tả thiếu tích cực trên màn ảnh. Khán giả chỉ trích, nhưng đồng thời cũng ngưỡng mộ tầng lớp này.
Nỗi khổ của giới siêu giàu
Ảnh minh họa

Một nhóm triệu phú ồn ào, mỗi người đều nhận được tài sản từ cha mẹ, tập hợp trên một con tàu để có trải nghiệm độc quyền hứa hẹn thay đổi cuộc đời mình.

Điều đó đúng, nhưng không theo cách họ mong đợi.

Con tàu đến một hòn đảo tư nhân, nơi các du khách phải đối mặt với hậu quả của việc tích lũy tài sản “không đứng đắn” như của họ. Không phải tất cả đều sống sót trở về.

Đây là cốt truyện của không phải một, mà là 3 bộ phim ra mắt gần đây và châm biếm giới giàu có: The Menu (2022), Glass Onion: A Knives Out Mystery (2022) và The Triangle of Sadness (2022, phim giành một giải Cành cọ vàng tại liên hoan phim Cannes và được đề cử 3 giải Oscar). Đây cũng là cốt truyện phần đầu tiên của The White Lotus, bộ phim thành công đột phá năm 2021.

Khi một chủ đề được lặp lại 3 lần, nó không còn là sự ngẫu nhiên, mà là một xu hướng. Khi xảy ra 5 lần, đó là dấu hiệu của thời đại.

Nỗi khổ của người giàu đã trở thành vấn đề được quan tâm trên toàn cầu, theo EL PAÍS.

Bùng nổ

Sự bùng nổ của phim ảnh về giới thượng lưu có nguồn gốc từ Succession, kể về sự xấu xa của một gia đình tỷ phú theo cách châm biếm hài hước. Bộ phim trở thành hình mẫu cho thể loại này từ khi được công chiếu trên HBO vào năm 2018.

Parasite (2019) của Bong Joon-ho không phải là tác phẩm đầu tiên đạo diễn Hàn Quốc đề cập đến sự tàn phá của bất bình đẳng xã hội. Ông đã giải Cành cọ vàng và Oscar cho Phim hay nhất.

Bên cạnh sự hư cấu, có một chút bí ẩn về nguồn gốc hiện tại của chủ đề.

Trong 2 thập kỷ, 1% người giàu nhất ở Mỹ tăng từ việc tích trữ 8% tài sản của quốc gia lên 20%. Điều tương tự cũng xảy ra ở Anh, Australia, Canada, một số khu vực của châu Âu và Nhật Bản.

Đại dịch Covid-19 chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề. Từ cuối năm 2019 đến 2021, 1% người siêu giàu ở Mỹ tăng tỷ lệ thống trị của cải lên 1,3%, trong khi phần còn lại của dân số ngày càng nghèo hơn.

Theo Bloomberg, 131 tỷ phú tăng gấp đôi tài sản của họ trong thời kỳ đó. Bernard Arnault, nằm trong số người giàu nhất thế giới, ước tính có khối tài sản trị giá 60 tỷ USD vào năm 2020 và 159 tỷ USD vào tháng 12/2022.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi tầng lớp ít khá giả hơn phải trả bằng nhà cửa và tiền tiết kiệm của họ, dẫn đến sự bùng nổ các câu chuyện về thây ma (The Walking Dead, REC), phản ánh một xã hội bị bao vây bởi những người bị tước quyền sở hữu cùng một lúc.

Ralph Fiennes và Anya Taylor-Joy trong "The Menu". Nỗi khổ của người giàu đã trở thành vấn đề được quan tâm trên toàn cầu. Ảnh: Fox.

Kỷ nguyên bất bình đẳng đã mang đến nỗi đau của các tỷ phú.

“Tất cả chúng ta đều thích nhìn thấy người giàu đau khổ. Đó là vấn đề về sự oán giận của giai cấp vô sản”, Cristóbal Garrido, nhà viết kịch bản (Ghostgradion, Kings of the Night), đang tham gia thực hiện bộ phim El favor của đạo diễn Juana Macías, mô tả sự lặp lại chủ đề này ở Tây Ban Nha, cho biết.

Ở Tây Ban Nha, thu nhập của 10% dân số giàu nhất hiện gấp 11,8 lần thu nhập của 10% nghèo nhất. Trước đại dịch, thu nhập của 10% dân số nghèo nhất cao gấp 5 lần.

Garrido cho biết: “Câu chuyện về người giàu đã trở thành mỏ vàng. Ngoài ra, các chương trình thực tế có người nổi tiếng đau khổ thu hút nhiều người xem và thúc đẩy nhiều cuộc thảo luận hơn”.

Mike White, tác giả của The White Lotus, hâm mộ show Survivor đến nỗi đã tham gia nhiều lần.

Trong khi có chung chủ đề, tất cả dự án này cũng có thể hoặc đã bị chỉ trích vì có những sai sót giống nhau. Một trong số đó là đưa ra mô tả rộng rãi về tầng lớp thượng lưu như thây ma của những người mất nhà cửa.

Các nhân vật bị ngắt kết nối với thế giới thực một cách hài hước. Họ ngu ngốc, ngây thơ hoặc đơn giản là keo kiệt, ích kỷ vì hoàn cảnh của mình.

Thêm vào đó, sự giàu có của các nhân vật có thể là đặc điểm xác định tính cách của họ ở mức độ lớn hơn mức độ châm biếm yêu cầu.

Garrido thừa nhận sự thiếu chân thực và phức tạp trong các nhân vật một phần do biên kịch khó gặp những người giàu có như vậy ngoài đời thực.

“Những người giàu sống ở một thế giới khác. Chúng đóng kín đến mức cho dù có ra ngoài và ghi chép bao nhiêu đi chăng nữa, bạn sẽ phải bổ sung những gì bản thân thấy bằng trực giác và chi tiết cần cho câu chuyện”, anh giải thích.

Janelle Monáe và Kathryn Hahn trong "Glass Onion: A Knives Out Mystery". Tầng lớp giàu có thường được khắc họa không mấy tích cực trên phim ảnh. Ảnh: John Wilson/Netflix.

Vừa yêu, vừa ghét

Một vấn đề khác ngược đời hơn là cảm xúc của khán giả về những người siêu giàu: “Là người xem, bạn muốn cười nhạo những người giàu có, nhưng đồng thời cũng muốn thuộc về tầng lớp đó. Bạn có thể đồng cảm và chỉ trích họ”, Carlos Montero, đồng tác giả của loạt phim Elite, cho biết.

Christopher Bollen, tác giả của A Beautiful Crime (2020) và các tiểu thuyết tội phạm khác đề cập đến tầng lớp thượng lưu, đồng ý: “Khi xem các bộ phim này, không thể tránh khỏi việc trầm trồ trước những bộ quần áo hàng hiệu, nghệ thuật đương đại, du thuyền khổng lồ và dinh thự trên đỉnh vách đá,... Điều này làm tăng khao khát văn hóa của chúng ta về tiền bạc và đặc quyền, ngay cả khi tuyên bố bài trừ điều đó”.

Những tác phẩm mới khai thác kẽ hở tường thuật cũ để đồng thời chỉ trích và tán dương người giàu: cái chết, điều thiết yếu đối với tiểu thuyết của Elite và Bollen cũng như xuyên suốt lịch sử của thể loại này.

Giết một người phô trương quá nhiều đặc quyền luôn là cái cớ để bước vào thế giới của họ.

Montero nhận định: “Có yếu tố đạo đức trong việc trừng phạt những người đặc quyền”.

“Đó là sự trả thù thuần túy. Người giàu có quá nhiều thứ trong cuộc sống đến nỗi loạt phim và tiểu thuyết mới tập hợp những vụ giết người và khối tài sản kếch xù, thỏ‌a mã‌n một mong muốn rất cơ bản”, Bollen nói thêm.

Khán giả chỉ trích, nhưng đồng thời cũng ngưỡng mộ tầng lớp siêu giàu trên phim ảnh. Ảnh: HBO.

Nhưng trong các tác phẩm châm biếm gần đây về những người siêu đặc quyền, đặc biệt là trong The White Lotus, giết người là phần thiết yếu của cốt truyện. Giết chết các nhân vật giàu có là cách nhanh nhất để giải quyết sự mơ hồ về đạo đức của việc châm biếm giới thượng lưu, đồng thời bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với họ.

Cái chết và tiền bạc dường như được liên kết theo chủ đề. “Chúng tôi luôn coi rằng tất cả sự giàu có đều bắt nguồn từ tội ác nên đặt mối liên hệ này trong thể loại bí ẩn”, Bollen giải thích.

Những câu chuyện về sự giàu có được đóng khung một cách kỳ lạ. Là chân dung của tầng lớp bòn rút của cải trên thế giới, chúng không đưa ra những chi tiết giống như tác phẩm của các tác giả lớn lên trong giới siêu giàu.

Chẳng hạn, Edith Wharton, 3 lần được đề cử giải Nobel và là người phụ nữ đầu tiên đoạt giải Pulitzer, là thành viên của giới thượng lưu New York. Bà đã miêu tả điều này sống động trong các tác phẩm kinh điển như The Custom of the Country (1913) và The Age of Innocence (1920).

Trong số những lời châm biếm về sự giàu có, không hình tượng nào giống như Mr. Burns của The Simpsons, một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất chế nhạo 1% dân số giàu nhất của Mỹ. Nhân vật này dựa trên John D. Rockefeller và các trùm cướp khác ở thế kỷ 19.

Tuy nhiên, những người giàu bây giờ càng giàu hơn. Chúng ta nói về họ liên tục và không phỉ báng nhiều như trước đây.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật