Vì sao doanh nghiệp xin giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đậu tương là nguyên liệu chính trong công thức sản xuất thức ăn nuôi thủy sản, vì vậy việc giảm thuế nhập khẩu mặt hàng này từ 2% về 0% sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn và có tác động rất mạnh mẽ đến việc sản xuất kinh doanh của ngành chăn nuôi.
Vì sao doanh nghiệp xin giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương?
Việt Nam sẽ có nhu cầu nhập khẩu rất lớn khô đậu tương trong những năm tới.

Nhu cầu nhập khẩu đậu tương lên đến 8 triệu tấn/năm

Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, 10 năm qua, ngành chăn nuôi trong nước liên tục phát triển ở mức 4 - 5%/năm, do đó nhu cầu thức ăn chăn nuôi cũng phải tăng theo, mỗi năm cần trên 30 triệu tấn. Ngô là nguyên liệu chiếm số lượng nhiều nhất, khoảng 12 triệu tấn, khô đậu tương (hạt đậu tương đã ép dầu) khoảng 5,5 triệu tấn.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi theo Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2045 của Thủ tướng Chính phủ, dự báo đến năm 2025 và 2030 nhu cầu khô đậu tương sẽ tăng lên 6,5 - 8 triệu tấn/năm. Do diện tích đất trồng trọt nói chung và đất trồng đậu tương càng ngày càng hẹp, Việt Nam sẽ có nhu cầu nhập khẩu rất lớn khô đậu tương trong những năm tới.

Còn hiện tại, giá khô đậu tương nhập khẩu vẫn đang duy trì ở mức cao. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành nuôi trồng thủy sản và ngành chăn nuôi trong nước khiến cho nhu cầu khô đậu tương tại Việt Nam đang không ngừng tăng lên trong những năm qua.

Theo nhận định, lượng đậu tương nhập khẩu về Việt Nam trong thời gian tới dự kiến đạt từ 80- 120 nghìn tấn/tháng, với giá nhập khẩu từ 670 – 700 USD/tấn. Còn theo số liệu thống kê hồi tháng 1/2023, giá nhập khẩu trung bình đậu tương về Việt Nam ở mức 672 USD/tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá nhập khẩu đậu tương bình quân từ thị trường Mỹ cạnh tranh nhất, đạt 663 USD/tấn, tăng 10,8% so với tháng 1/2022.

Hồi năm ngoái, nhập khẩu khô đậu tương đạt khoảng 5 triệu tấn. Tuy lượng nhập khẩu đứng thứ 2 sau ngô, nhưng giá trị khô đậu tương nhập khẩu lại lớn nhất do giá thành nhập khẩu mặt hàng này cao hơn ngô tới 70%.

Trong 3 năm trở lại đây, có giai đoạn giá khô đậu tương tăng lên đến 71%. Thế nhưng giá sản phẩm thủy sản lại không tăng theo giá thức ăn mà còn giảm ở một số thời điểm, càng làm cho ngành nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn.

Doanh nghiệp kiến nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có ông văn đến Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đề xuất giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cùng với Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng đã có công văn kiến nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước đang hết sức khó khăn do giá đầu ra giảm mạnh.

“Mỗi con heo xuất chuồng thì các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi đã lỗ tới gần 1 triệu đồng. Điều này khiến nhiều hộ chăn nuôi phải đóng chuồng trong thời gian tới vì thua lỗ triền miên, càng làm càng lỗ. Nhiều người chăn nuôi không có khả năng tái đàn do giá bán ra thấp hơn nhiều so với giá thành chăn nuôi” - ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết.

Theo hiệp hội, khô đậu tương là mặt hàng có giá trị nhập khẩu cao nhất và là nguyên liệu chính trong công thức sản xuất cám heo và thủy sản nhưng vẫn giữ mức thuế nhập khẩu 2% trong khi giá khô đậu tương ở mức cao đã tác động trực tiếp tới giá thành chăn nuôi tại Việt Nam.

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam: Khô đậu tương là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất về giá trị trong các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong khi nguyên liệu nhập khẩu chiếm đến 85% đến 90% giá thành.

Tình trạng này đã khiến 45% đến 50% trang trại lớn treo chuồng và khoảng 70% đến 75% hộ chăn nuôi ngừng tái đàn. Nếu tiếp tục kéo dài mà không có sự can thiệp, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng trong ngành chăn nuôi.

VASEP cho biết, tại các nước có ngành thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi phát triển trong khu vực ASEAN nhiều năm qua đều đang duy trì thuế suất 0% đối với khô đậu tương nhập khẩu để hỗ trợ ngành thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi trong nước.

Hay như ở Hàn Quốc, chính phủ sẵn sàng trợ giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào trong những chu kỳ giá nguyên liệu tăng cao cho một số mặt hàng nguyên liệu chính để hỗ trợ các doanh nghiệp chăn nuôi, nhằm ổn định giá thành chăn nuôi trong nước.

Do vậy, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng việc giảm thuế suất nhập khẩu khô đậu tương xuống 0% sẽ giúp các doanh nghiệp chăn nuôi tại Việt Nam ổn định mặt bằng giá thành sản xuất trong nước, đồng thời giữ lợi thế cạnh tranh cho ngành thức ăn chăn nuôi của Việt Nam trong khu vực.

Một số doanh nghiệp nuôi trồng và xuất khẩu tôm ở ĐBSCL cho rằng, một trong những lý do khiến người nuôi tôm khó có lợi nhuận vì giá bán tôm lên xuống thất thường trong khi đó giá thức ăn đội cao khiến giá thành của tôm Việt Nam cao. Điều này khiến doanh nghiệp loay hoay với bài toán giá thành và năng lực cạnh tranh.

Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam cho biết, Việt Nam là nước phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, trong đó có khô đậu tương. Năm 2022, nhập khẩu khô đậu tương đạt khoảng 5 triệu tấn. Tuy lượng nhập khẩu đứng thứ 2 sau ngô, nhưng giá trị khô đậu tương nhập khẩu lại lớn nhất do giá thành nhập khẩu mặt hàng này cao hơn ngô tới 70%.

Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam.

Trong thời gian qua, do bị ảnh hưởng bởi các yếu tố dịch bệnh, thời tiết và địa chính trị trên toàn cầu, giá khô đậu tương đã tăng liên tục tới 60 - 70%. Khô đậu tương là nguồn cung cấp đạm thực vật chính trong dinh dưỡng vật nuôi, là nguyên liệu chính trong công thức cám thủy sản và cám heo. Do đó, giá khô đậu tương tăng mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành chăn nuôi.

Trong sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, nguyên liệu thường chiếm khoảng 85 - 90% giá thành. Bởi vậy, giá thức ăn chăn nuôi dễ bị tác động dây chuyền khi nguồn cung nguyên liệu có biến động tăng, dẫn đến rủi ro cao và sản phẩm chăn nuôi trở nên đắt đỏ.

Khô đậu tương lại là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất về giá trị trong các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Vì vậy, trong bối cảnh giá khô đậu tương trên toàn cầu vẫn đang ở quanh mức đỉnh 10 năm, việc thuế nhập khẩu mặt hàng này vẫn đang được giữ ở mức 2% sẽ làm gia tăng thêm gánh nặng chi phí cho người chăn nuôi.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có ý kiến chỉ đạo

Trước kiến nghị của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi Việt Nam, theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có ý kiến chỉ đạo.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì với các bộ, ngành xem xét thuế nhập khẩu và trình cấp có thẩm quyền.

Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét, xử lý kiến nghị của hiệp hội trong sửa đổi các văn bản liên quan về thuế nhập khẩu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định Pháp Luật.

Nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước, ngày 15/11/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 101/CP-NĐ điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với lúa mì từ 3% xuống 0%, ngô từ 5% xuống 2% từ 31/12/2021. Tuy nhiên thuế nhập khẩu đối với khô đậu tương vẫn giữ nguyên 2%.

Tháng 10/2022, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã có công văn gửi Bộ Tài chính về việc điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong công văn này, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục xem xét, đề xuất Chính phủ giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0%.

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Cục Chăn nuôi cũng vừa soạn thảo văn bản gửi lãnh đạo Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ký trình Chính phủ xem xét giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương về 0%.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật