Nikkei: Nga “mua lại” linh kiện vũ khí xuất khẩu sang Myanmar và Ấn Độ

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo phân tích dữ liệu của Nikkei, Nga bị nghi ngờ mua lại các vật tư quân sự trước đây đã được chuyển đến Myanmar và Ấn Độ.
Nikkei: Nga “mua lại” linh kiện vũ khí xuất khẩu sang Myanmar và Ấn Độ
Xe tăng tăng T-72 của Nga. (Ảnh: Reuters)

Theo dữ liệu Nikkei, Nga có thể đang nhập khẩu lại các thành phần để cải tiến các vũ khí cũ hơn, phục vụ cho chiến dịch quân sự ở Ukraine. Để làm được điều này, Nga đang dựa vào sự giúp đỡ từ các quốc gia truyền thống, có quan hệ mua bán vũ khí từ lâu.

Động thái này diễn ra sau khi Mỹ, các quốc gia châu Âu và Nhật Bản cấm xuất khẩu hàng hóa có khả năng phát triển trang thiết bị vũ khí sang Nga sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Nikkei phân tích dữ liệu thông quan về các chuyến hàng Nga nhập khẩu các bộ phận vũ khí như xe tăng và tên lửa. Kết quả này tổng hợp từ nguồn ImportGenius - một chuyên gia nghiên cứu người Mỹ, Exim Trade Data của Ấn Độ và các nguồn khác cung cấp.

Theo dữ liệu, UralVagonZavod - công ty sản xuất xe tăng cho quân đội Nga, đã nhập khẩu các sản phẩm quân sự từ quân đội Myanmar với trị giá 24 triệu USD vào ngày 9/12/2022.

Công ty UralVagonZavod đã mua lại 6.775 kính thiên văn quan sát và 200 camera để lắp đặt cho xe tăng. Nobuyuki Akatani, sĩ quan cấp cao nghỉ hưu của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản, người đã tham gia phát triển xe tăng, cho biết: "Chúng có thể là thiết bị quang học để đo khoảng cách mục tiêu".

Theo viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, một tổ chức tư vấn của Anh, Nga hiện có khoảng 5.000 xe tăng.

"Nga có rất nhiều xe tăng T-72 cũ trong kho cần được hiện đại hóa và có thể được gửi ra tiền tuyến", Oleg Ignatov, nhà phân tích về Nga của International Crisis Group, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels, cho biết.

Trước đây, Nga được cho dựa vào công nghệ phương Tây để sản xuất thiết bị quang học. Tuy nhiên, nước này dường như đang gặp khó khăn trong việc mua các thành phần cần thiết do lệnh trừng phạt thương mại.

Nikkei đã đề nghị UralVagonZavod, chính phủ Nga và Bộ Quốc phòng Myanmar cung cấp thông tin chi tiết về việc mua lại các sản phẩm quân sự của công ty Nga, nhưng không nhận được trả lời.

Theo dữ liệu thông quan, UralVagonZavod xuất khẩu sản phẩm quân sự cho quân đội Myanmar năm 2019. Tài liệu tham khảo cho thấy các mặt hàng trả lại bị lỗi.

Tuy nhiên, theo Kinichi Nishimura, nhà phân tích quân sự từng phục vụ tại Bộ Quốc phòng Nhật Bản, "bất kỳ sản phẩm bị lỗi nào cũng phải được thay thế ngay thời điểm kiểm hàng nhập khẩu nếu phát hiện lỗi".

Jakub Janovsky của Oryx - website phân tích tình báo quốc phòng của Hà Lan, cho biết: "Đối với khoản hoàn trả bảo hành, đây là một số lượng bất thường".

Tập đoàn khoa học sản xuất, thiết kế, chế tạo máy (OAO NPK KBM) của Nga là đơn vị được giao nhiệm vụ sản xuất tên lửa. Tập đoàn này mua tổng cộng 6 thành phần thiết bị quan sát ban đêm cho tên lửa đất đối không với giá 150.000 USD từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ trong thời gian từ tháng 8 và tháng 11/2022.

Tất cả các bộ phận cần thiết để đảm bảo tên lửa có thể hoạt động vào ban đêm và trong điều kiện ánh sáng yếu đều do KBM sản xuất. KBM đã xuất khẩu cùng loại bộ phận sang Ấn Độ vào tháng 2/2013. Theo Nikkei, Nga có thể đã nhập khẩu lại các bộ phận để sửa chữa.

Theo viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới, trong đó Ấn Độ là khách hàng lớn nhất của Moskva - chiếm 35% tổng số vũ khí xuất khẩu của Nga trong thập kỷ qua.

Theo sau Ấn Độ, Trung Quốc là khách hàng mua vũ khí lớn thứ 2 của Nga - chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu và tiếp đến là Algeria với 10%. Việc mua lại thiết bị đã xuất khẩu giúp nâng cấp vũ khí cũ hơn trong kho vũ khí của Nga và đưa chúng vào chiến trường.

Tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản vừa qua, G7 yêu cầu các nước khác chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Nga. Nobumasa Akiyama, giáo sư nghiên cứu về kiểm soát vũ khí tại Đại học Hitotsubashi ở Tokyo, cho biết "rất khó để có được sự hợp tác từ các quốc gia phụ thuộc vào vũ khí do Nga sản xuất".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật