Saudi Arabia và Nga thắng lớn trong canh bạc cắt giảm nguồn cung dầu

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dù bơm ít thùng hơn, Saudi Arabia và Nga thu về thêm hàng tỉ đô la doanh thu từ dầu mỏ trong những tháng gần đây, nhờ giá dầu thô tăng vọt sau khi hai nước này bắt tay cắt giảm sản lượng.
Saudi Arabia và Nga thắng lớn trong canh bạc cắt giảm nguồn cung dầu
Công nhân kiểm tra van của đường ống dẫn dầu tại mỏ dầu thuộc sở hữu của nhà sản xuất dầu khí Lukoil ở Nga. Ảnh: Reuters

Cắt giảm nguồn cung dầu là một chiến lược rủi ro, cả về mặt tài chính và chính trị. Nhưng quyết định đó dường như đang mang lại lợi ích cho Saudi Arabia và Nga, hai thành viên quan trọng nhất của liên minh OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh). Theo tính toán của hãng tư vấn Energy Aspects, đà tăng giá dầu đang bù đắp cho sự sụt giảm về khối lượng dầu xuất khẩu của hai nước này.

Dòng tiền từ dầu mỏ đang giúp Saudi Arabia, dưới thời cầm quyền của Thái tử Mohammed bin Salman, tài trợ cho các dự án tốn kém trong nước và tiếp tục chiến dịch gây ảnh hưởng ở nước ngoài thông qua các hoạt động đầu tư lớn. Sự cải thiện doanh thu dầu mỏ cũng đảm bảo nguồn tài chính để Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể duy trì các hoạt động quân sự ở Ukraine.

Phân tích của Energy Aspects cho thấy doanh thu từ dầu mỏ của Saudi Arabia trong quí hiện tại có thể tăng gần 30 triệu đô la Mỹ mỗi ngày so với quí 2, tương đương mức tăng khoảng 5,7%. Trong toàn bộ thời gian ba tháng của quí này, số tiền đó sẽ tương đương với khoảng 2,6 tỉ đô la. Dữ liệu cũng cho thấy doanh thu dầu mỏ của Nga có thể tăng thêm khoảng 2,8 tỉ đô la trong cùng kỳ.

Một số nhà quan sát thị trường nhận định những thành công này có thể khiến OPEC+ xem xét nhiều hạn chế hơn nữa đối với nguồn cung dầu toàn cầu.

“OPEC+ nắm vai trò điều khiển nguồn cung dầu toàn cầu. Vì vậy, bạn có dự liệu rằng liên minh này còn tiến hành nhiều hành động nữa”, Saad Rahim, nhà kinh tế trưởng của Công ty kinh doanh hàng hóa Trafigura, nói.

OPEC+ đã gây áp lực lên thị trường dầu mỏ trong nhiều tháng. Tuy nhiên, cho đến gần đây, hành động siết chặt nguồn cung của nhóm này bị cân bằng bởi lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và tăng trưởng trì trệ của Trung Quốc, khiến giá dầu giao dịch trong biên độ khá hẹp.

Tháng 10 năm ngoái, OPEC+ thông báo cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày, mức cắt giảm lớn nhất kể từ khi đại dịch Covid-19. Đến tháng 5, một nhóm nhỏ hơn trong OPEC+ do Saudi Arabia dẫn đầu tiếp tục cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày. Chưa dừng lại ở đó, Riyadh cam kết tự nguyện cắt giảm 1 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 7. Hồi đầu tháng 9, Saudi Arabia và Nga tuyên bố gia hạn cắt giảm nguồn cung dầu cho đến cuối năm nay.

Dầu thô Brent chuẩn toàn cầu đã tăng 25% trong quí này và đang giao dịch ở mức cao tới 95 đô la/thùng trong những ngày gần đây.

Dữ liệu của OPEC báo hiệu, trong quí 4, mức thiếu hụt dầu toàn cầu là 3,3 triệu thùng/ngày. Vì vậy, nhiều nhà phân tích dầu mỏ hiện kỳ vọng giá dầu Brent sẽ sớm vượt ngưỡng 100 đô la/thùng.

“Đó không còn là dự báo táo bạo nữa. Giá dầu sẽ ngày càng cao hơn. Nguồn cung về cơ bản là thắt chặt”, Livia Gallarati, nhà phân tích thị trường dầu mỏ của Energy Aspects, bình luận.

Chiến lược giảm sản lượng dầu tiềm ẩn nhiều rủi ro vì sẽ khiến những nước cắt giảm nguồn cung đánh mất thị phần vào tay các đối thủ. Và nếu tình trạng thiếu hụt nguồn cung không thể thúc đẩy giá cả, thì doanh thu dầu mỏ của những nước cắt giảm nguồn cung có thể sụt giảm mạnh. Chi phí năng lượng cao, có thể gây ra áp lực lạm phát mới cho nền kinh tế Mỹ, và điều này sẽ khiến Washington phản ứng.

Theo ước tính của Rystad Energy, chi phí sản xuất dầu ở Saudi Arabia và Nga rất thấp, trung bình lần lượt là 9,3 đô la và 12,8 đô la mỗi thùng vào năm ngoái. Mức chi phí thấp đó có nghĩa là phần lớn doanh thu từ xuất khẩu dầu có thể được chuyển thành lợi nhuận.

Giá dầu cao hơn là tin tốt đối với Saudi Arabia, nước đang cần nguồn thu cải thiện từ dầu mỏ để tài trợ cho các dự án lớn nhằm đa dạng hóa nền kinh tế.

Theo Capital Economics, trong nửa đầu năm 2023, Riyadh đã chi tiêu vốn nhiều hơn 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động thi công đã bắt đầu triển khai ở siêu dự án thành phố Neom, trị giá 500 tỉ đô la.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính, để cân bằng ngân sách, Riyadh cần giá dầu Brent đạt mức trung bình khoảng 81 đô la/thùng trong năm nay. Các nhà phân tích cho biết, nếu Saudi Arabia tiếp tục gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án như Neom, thì nước này có thể cần giá dầu tăng lên gần 100 đô la/thùng để cân bằng ngân sách.

Trong khi đó, Nga đang chi mạnh tay cho chiến sự ở Ukraine. Theo Oxford Economics, trong quí đầu tiên của năm nay, chi tiêu ngân sách của Nga tăng 35%, tương đương khoảng 20,7 tỉ đô la, so với một năm trước đó. Nga thâm hụt ngân sách kể từ giữa năm ngoái.

Loại dầu phổ biến nhất của Nga, Urals, giao dịch trên mức 75 đô la/thùng trong những ngày gần đây. Con số này tăng so với mức trung bình quí 2 là 56 đô la và cao hơn mức trần 60 đô la do nhóm cường quốc G7 áp đặt để hạn chế doanh thu dầu mỏ của Nga.

Tuần trước, Điện Kremlin thông báo cấm xuất khẩu dầu di‌esel và xăng, làm trầm trọng thêm tình trạng hạn chế nguồn cung năng lượng thế giới. Giá dầu di‌esel toàn cầu đang tăng mạnh do lo ngại nguồn cung khan hiếm hơn trong một thị trường vốn đã thắt chặt.

“Nga đang ‘vũ khí hóa’ năng lượng một lần nữa. Với tình hình nguồn cung nhiên liệu cực kỳ thắt chặt, đây thực sự là điều đáng lo ngại”, Helima Croft, giám đốc chiến lược hàng hóa của RBC Capital Markets, nói.

Căng thẳng giữa Điện Kremlin và các công ty dầu mỏ trong nước bao gồm Rosneft về tình trạng thiếu nhiên liệu trong nước là một lý do khác dẫn đến lệnh cấm xuất khẩu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật