Chứng khoán Mỹ tăng 7 tuần không nghỉ, dầu hồi giá sau 7 tuần giảm liên tiếp

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chất xúc tác cho thị trường trong tuần này đến từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào hôm thứ Tư thừa nhận rằng nỗ lực chống lạm phát đã mang lại kết quả...
Chứng khoán Mỹ tăng 7 tuần không nghỉ, dầu hồi giá sau 7 tuần giảm liên tiếp
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu (15/12) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số nhưng hoàn tất tuần tăng thứ 7 liên tiếp nhờ kỳ vọng lãi suất sẽ giảm sớm và giảm nhiều trong năm 2024. Giá dầu thô đi xuống, nhưng có tuần tăng đầu tiên sau 7 tuần chỉ có giảm.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 56,81 điểm, tương đương tăng 0,2%, đạt 37.305,16 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 36 điểm, tương đương giảm 0,01%, còn 4.719,19 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng tăng 0,35%, chốt ở mức 14.813,92 điểm.

Đây là kỷ lục đóng cửa mới của Nasdaq, phá vỡ kỷ lục cũ thiết lập vào tháng 11/2021. Mức điểm đóng cửa trên cũng là mức cao chưa từng có của Dow Jones, vượt qua kỷ lục mà chỉ số blue-chip này mới thiết lập trong phiên ngày thứ Năm.

Như vậy, trong đợt tăng này, chỉ còn S&P 500 là chưa lập kỷ lục. Thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ đang được kỳ vọng sẽ sớm lập đỉnh cao lịch sử mới, vì chỉ còn cách 2% so với kỷ lục thiết lập vào tháng 1/2022. Đến tuần này, S&P 500 đã có 7 tuần tăng liên tiếp, chuỗi tuần tăng dài nhất kể từ năm 2017.

Nếu tính từ đầu tháng, Dow Jones đã tăng 3,8%; S&P 500 tăng 3,3%; và Nasdaq tăng 4,1%.

Chất xúc tác cho thị trường trong tuần này đến từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào hôm thứ Tư thừa nhận rằng nỗ lực chống lạm phát đã mang lại kết quả, dự báo ba lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Nối tiếp loạt dữ liệu cho thấy lạm phát xuống thang, báo cáo công bố vào ngày thứ Năm cho thấy doanh thu bán lẻ tháng 11 tốt hơn dự báo. Tất cả đều củng cố hy vọng rằng Fed sẽ “lái” được nền kinh tế lớn nhất thế giới tới một cuộc “hạ cánh mềm”.

Tuy nhiên, giới chức Fed vẫn không muốn thị trường đặt cược quá nhiều vào việc giảm lãi suất trong năm tới. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC vào hôm thứ Sáu, Chủ tịch Fed chi nhánh New York, ông John Williams, nói: “Hiện tại, chúng tôi chưa thực sự nói về việc giảm lãi suất”.

Giám đốc giao dịch Chris Larkin của E-Trade nhận định thị trường đã nhận được một “cú huých” tâm lý từ cuộc họp tuần này của Fed, nhưng hiệu ứng tức thì đó sẽ giảm dần. “Thị trường không thể ngày nào cũng tăng được, cho dù xu hướng tăng có mạnh như thế nào. Điều chỉnh và tạm dừng là điều tất yếu, cho dù xu hướng tăng có mạnh và kéo dài đi chăng nữa”, ông Larkin nói với CNBC.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,06 USD/thùng, tương đương giảm gần 0,01%, còn 76,55 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,15 USD/thùng, tương đương giảm 0,2%, còn 71,43 USD/thùng.

Cả tuần, giá dầu Brent tăng 0,9%, còn giá dầu WTI tăng 0,3%.

“Lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm, số liệu kinh tế khả quan, và việc các nước thành viên OPEC tăng cường tuân thủ hạn ngạch khai thác dầu trong tháng 11 là những yếu tố hỗ trợ giá dầu trong tuần này”, trưởng phân tích Peter McNally của công ty Third Bridge nhận định với trang MarketWatch.

“Tuy nhiên, vẫn còn đó những yếu tố không có lợi cho giá dầu - nguyên nhân khiến OPEC+ duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện cho tới hết quý 1/2024. Nên vẫn phải chờ xem liệu liên minh này có đủ nghiêm túc để ngăn xu hướng tăng của lượng dầu tồn kho hay không”.

Giá dầu đã rơi vào xu hướng giảm kéo dài dưới áp lực từ sản lượng dầu kỷ lục của Mỹ, triển vọng ảm đạm của kinh tế Trung Quốc, và những hoài nghi của thị trường về kế hoạch cắt giảm sản lượng của OPEC+. Trước khi tăng nhẹ trở lại trong tuần này, giá dầu thô đã giảm trong 7 tuần liên tiếp.

OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật