Chính phủ yêu cầu hoàn thiện pháp lý về tài sản ảo để chống rửa tiền

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan hoàn thành việc xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo trong tháng 5/2025 để chống rửa tiền.
Chính phủ yêu cầu hoàn thiện pháp lý về tài sản ảo để chống rửa tiền
Ảnh minh họa.

Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủ‌ng b‌ố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt với Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF), sớm đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách rà soát tăng cường (Danh sách Xám) trên cơ sở đảm bảo tối đa lợi ích quốc gia (Quyết định số 194/QĐ-TTg)...

Kế hoạch đưa ra 17 hành động cụ thể để thực hiện cam kết với FATF. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan thực hiện kế hoạch theo đúng tiến độ, đảm bảo hiệu quả.

Tại kế hoạch này, Chính phủ yêu cầu NHNN đánh giá rủi ro về rửa tiền trong kinh doanh casino, trò chơi có thưởng và tài sản ảo; hoàn thành vào tháng 9.

Bộ Tài chính được giao xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản này, hoàn thành trong tháng 5/2025. Việc này nhằm hạn chế rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủ‌ng b‌ố liên quan tới loại tài sản này.

Việt Nam hiện vẫn chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo và tài sản ảo. Các loại tiền số như như Bitcoin, Ethereum... được coi là tài sản ảo phổ biến. Hiện tiền mã hóa, tài sản mã hóa, tài sản ảo là ứng dụng phổ biến nhất của Blockchain.

Chính phủ Việt Nam từng nhiều lần giao NHNN nghiên cứu, thí điểm tiền ảo, nhằm ngăn ngừa rủi ro rửa tiền, hệ thống ngân hàng. Cơ quan quản lý nhiều lần khẳng định tiền ảo không phải là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) thông qua cuối 2022 chưa luật hóa các loại tiền ảo, tài sản ảo.

Nhưng thực tế mua bán, trao đổi tài sản ảo tại Việt Nam vẫn được thực hiện qua các sàn giao dịch quốc tế hoặc hình thức thỏa thuận trực tiếp, tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền, cá nhân tham gia. Vì thế, cách đây hai năm, Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có hành lang pháp lý về loại tài sản mới này.

Theo số liệu của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), vào tháng 9/2023, giá trị tiền ảo Việt Nam nhận về gần 91 tỷ USD trong một năm (từ 10/2021 đến 10/2022). Trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD.

Việt Nam hiện đang đứng trong top 10 thế giới về tỷ lệ người sở hữu tiền mã hóa.

Theo giới chuyên gia, nhiều quốc gia đã xây dựng chính sách, khuôn khổ pháp lý cho tài sản số như các nước châu Âu, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc). Đặc biệt, trong nửa năm đầu 2023, thị trường tài sản số thế giới chứng kiến hai bước tiến về mặt pháp lý đó là: Đạo luật MiCA được Nghị viện châu Âu phê duyệt và Hồng Kông cho phép giao dịch bán lẻ tài sản số. Cùng với đó, một số nước khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… đã nêu quan điểm về tài sản số và đưa ra định hướng phát triển lâu dài.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có một hành lang pháp lý cụ thể để thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực Blockchain, đặc biệt là chưa có khung pháp lý liên quan đến huy động vốn qua việc phát hành tài sản mã hóa, tiền mã hóa và giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa, trong đó chủ yếu liên quan đến việc vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa.

Điều này dẫn tới tình trạng “chảy máu chất xám”, các doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực Blockchain hiện phải đăng ký công ty ở nước ngoài, dù trụ sở làm việc, công nghệ, nhân lực… ở Việt Nam. Việc này làm cho Nhà nước thất thu đối với các hoạt động phát sinh nhiều lợi nhuận... Nếu có khung pháp lý phù hợp, việc quản lý tài sản, gọi vốn khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ này sẽ hiệu quả hơn.

Do đó, việc xây dựng khung pháp lý để thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain, tài sản số, quản lý tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa là rất cần thiết. Song mức độ điều chỉnh của Pháp Luật đối với vấn đề này cần thận trọng, đảm bảo sự cân bằng giữa mục tiêu khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo vệ lợi ích của các tổ chức, cá nhân trong xã hội...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật